Wednesday, October 22, 2008

Công bằng tuyệt đối

“Ta đi Chùa, Nhà thờ lạy Phật, Lạy Chúa mà ta quên không nghĩ tới Chúng sanh - Nhờ có Chúng sanh mà ta có thể thực hành việc thiện tạo phước cho ta: Vậy cả đấng Tối cao và Chúng sanh đều góp phần vào quả vị tốt lành mà ta mong đạt tới vì vậy tại sao ta chỉ lo tôn kính đấng tối cao mà bỏ quên chúng sanh và còn ganh ghét, ích kỷ với họ"

(Đức Đai Lạt Ma đời thứ 14)

Sunday, October 19, 2008

Ông lão đánh cá và bài học cuộc sống

Đầu tuần này, nhiều người Thái Lan lặng người khi nghe tin ông lão đánh cá Yen Kaewmanee từ trần. Một ông lão nhà quê hom hem, ngoài việc sống đến 108 tuổi, còn có gì đặc biệt mà cả những tờ báo lớn như The Nation hay Bangkok Post đều dành một góc trang trọng để đăng tin báo tử?

Người Thái sẽ nhớ nụ cười móm mém của “ngoại Yen”
Ảnh: Pattaya Daily News, The Nation

Người Thái gọi ông bằng cái tên rất đỗi thân thương: “ngoại Yen”. Từ nhiều năm qua, tên tuổi của ông đã gắn liền với biểu tượng về tinh thần tự lập mà người Thái đang khuyến khích con em mình noi theo. Nhắc đến “ngoại Yen”, người ta nhớ tới ông lão không bao giờ xin tiền hay nhờ vả người khác và câu nói bất hủ: “Không, tôi không sợ chết đói. Ngay cả con ốc không có tay chân mà còn tự nuôi sống mình được”.

Khi vợ qua đời năm 1993, “ngoại Yen”, một tín đồ Hồi giáo hiền từ, đã quyết định để dành 800 baht tiền thuê nhà, dọn lên sống trên ghe. Không muốn quấy rầy hai người con gái nuôi đã yên bề gia thất, ông tự kiếm kế sinh nhai. Với đôi bàn tay gầy trơ xương và đôi chân già run rẩy, “ngoại Yen” quăng lưới trên sông Phetchaburi để bắt cá, tự nấu cơm ngày hai bữa. Hôm nào bắt được nhiều, ông đem ra chợ bán nhưng không định giá “vì làm vậy, những người không đủ tiền mua sẽ không được ăn cá”.

Cuộc sống bình dị cứ lặng lẽ trôi, cho đến ngày ông gặp nhà sản xuất phim tài liệu Suthipong Dhammawoot. Bộ phim về cuộc đời “ngoại Yen” phát sóng năm 2005 đã làm cả nước xúc động. Sự tự lập của ông già ở cái tuổi cần được quan tâm chăm sóc nhất khiến người dân cảm phục.

Ông lão đánh cá tự thân mưu sinh

Các nhà hảo tâm nườm nượp kéo đến thăm hỏi, tặng quà. Hoàng hậu Thái Lan tặng ông một chiếc ghe mới tinh và yêu cầu chính quyền địa phương chăm lo cho sức khỏe của “ngoại Yen”. Nhưng tặng quà cho “ngoại” thật khó, bởi ông lão ở tuổi gần đất xa trời nhất định không chịu nhận bất cứ sự giúp đỡ nào. Phải năn nỉ, thuyết phục mãi ông mới chịu chuyển sang sống trên chiếc ghe mới và đón nhận lòng hảo tâm của mọi người.

Trừ việc được nhiều người biết đến hơn, ông lão đánh cá vẫn duy trì lối sống mộc mạc như trước. Minh chứng là khi một người khách lấy 170 baht từ tay ông, “ngoại Yen” đã nói: “Không sao, chúng ta được sinh ra là để giúp đỡ lẫn nhau mà!”. Một lần khác, trộm lấy mất 70.000 baht vừa được biếu, “ngoại Yen” cũng không buồn báo cảnh sát.

Khoảng một tháng trước ngày mất, “ngoại Yen” gặp tai nạn, ghe của ông bị nước mưa nhấn chìm. Sau gần 20 phút lóp ngóp, ông mới được xóm giềng phát hiện đưa đi cấp cứu. Nghe tin này, hoàng hậu đã yêu cầu Công ty đóng tàu Ayutthaya và Trường cao đẳng Công nghệ sửa sang chiếc ghe cho ông. Hiệp hội Chữ thập đỏ Phetchaburi đem thức ăn cho ông hằng ngày theo yêu cầu của hoàng hậu.

Sau tai nạn đó, sức khỏe “ngoại Yen” yếu đi nhiều. Đến sáng 12-10, các y tá thấy ông nằm bất tỉnh trên ghe. Dù các bác sĩ đã tận lực, họ vẫn không làm trái tim hơn trăm tuổi của ông đập trở lại.

Ông lão đánh cá trọn đời bình dị và tự lập đã làm động lòng biết bao nhiêu người. Giữa xã hội Thái Lan đầy những tranh giành quyền lực, tiền tài, sự ra đi của ông buộc nhiều người nhìn lại mình. Soi vào tấm gương trong veo của “ngoại Yen”, một độc giả báo The Nation, sau khi thừa nhận mình và nhiều người khác mắc kẹt trong thế giới đầy toan tính, đã thốt lên: “Đó là lý do vì sao tất cả chúng con đều yêu ông, ngoại Yen à. Ông đã sống được như thế, còn chúng con thì không”.

Sau khi “ngoại Yen” từ trần, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Chalerm Yubamrung đã yêu cầu các bệnh viện nhà nước dành những phòng khám đặc biệt cho người già để họ không phải chờ đợi lâu. Bộ cũng yêu cầu đến năm sau, mỗi quận huyện phải lập một câu lạc bộ cho người cao tuổi sống trên địa bàn.

THANH TRÚC tổng hợp
(Sưu tầm)

Monday, October 13, 2008

Thơ của thầy

Đón Xuân

Lớn khôn nhờ đức cha ông
Trí tuệ sự nghiệp tổ tông vui mừng
Đạo làm người chớ dửng dưng
Đem tâm hiếu kính hòa xuân đất trời.


Sa Môn Thích Diệu Bổn

Tiểu Sử Hòa Thượng Vạn Ân (Hương Tích) (1885 - 1967)

Ngài thuộc môn phái Lâm Tế tôn (Liễu Quán) thứ bốn hai mươi.
Sinh năm Bính Tuất (1885) tại thôn Vạn lộc, Vạn lộc, xã Hòa Mỹ, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Viên tịch vào hồi 1 giờ khuya mồng 8 tháng 2 năm Đinh Mùi (nhằm vía Đức Thế Tôn xuất gia, Phật lịch 2510)
Hưởng thọ 82 tuổi, thuộc giòng Nho phong họ Nguyễn.
Thân phụ của Ngài là ông cụ Nguyễn Chơn Tịnh.
Thân mẫu của Ngài là cụ bà Trần Thị Như Liên.
Năm 12 tuổi Ngài xuất gia học đạo, thọ giáo Tổ Nguyên Đạt (Chùa Long Trường) Húy là Trừng Thành.
Năm 21 tuổi Ngài thọ Cụ Túc giới tại Chùa Sắc Tứ Bát Nhã, Tuy An pháp hiệu VẠN ÂN.
Năm 26 tuổi Ngài dự vào hàng Tam Sư (tại Chùa Mông Đức, Phan Rang)
Sáu mươi mốt năm, vân du hành Đạo từ Phú Yên, Bạc Liêu, châu Đốc, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh miền Nam. Ngoài việc giảng dạy giáo lý để hóa độ quần sanh, thì về mặc hình tướng Ngài đã kiến tạo và trùng tu cả thảy 22 ngôi Chùa. Ngôi Chùa Hương Tích là nơi Ngài khai sơn và trụ lâu nhất, hàng trăm vị xuất gia được đắc giới tại đây và gần đây là ngôi Bửu Tịnh tổ đình: Giáo hội cung thỉnh Ngài sung chức trưởng ban trùng tu ngôi Tổ đình để làm nơi Hoằng Đạo trung tâm cho Tỉnh giáo hội.
Với tuổi 77 là tuổi dưỡng lão; thế mà Ngài đã hoan hỉ nhận lãnh và thời gian chỉ có sáu năm, hơn nữa lại gặp hoàn cảnh chiến tranh khó khăn. Nhưng một ngôi Chùa không kém phần hùng vĩ nguy nga đã hiển hiện giữa thành phố Tuy Hòa. Vẫn biết việc thành tựu cao thượng trên phần lớn là do chư tôn Hòa Thượng, Thượng tọa Đại Đức và tín đồ. Nhưng phần tâm linh phải ghi nơi Ngài một tinh thần trách vụ cao cả.
Bên cạnh việc trùng tu và kiến tạo, Ngài còn rất lưu ý về mặt phát huy đạo đức, tiếp dẫn hậu lai; nên năm 1920 Ngài đã khai đại giới đàn, tại Chùa Khánh Long (Tuy Hòa). Năm 1956 Ngài dự vào hàng Tam sư Đại giới đàn toàn quốc; tổ chức tại Phật học viện Nha Trang.
Và trước đó Ngài đã đảm nhiệm trách vụ giảng sư tại Phật học đường Gia Giáo (Bạc Liêu) 3 năm. (Bạn đồng thời với Ngài là Ngài Pháp chủ Khánh Anh).
Hiện tại hàng đệ tử xuất gia tại gia của Ngài rất đông: Đại Đức Nguyên Hương người dùng thân đốt lên ngọn đuốc thứ hai giữa mùa Pháp nạn năm 1963 là tôn đệ của Ngài, gọi Ngài bằng Sư Ông.
Ngoài sự thông suốt và đem ba tạng giáo lý Kinh điển dạy đời. Ngài còn trọn dâng một tinh thần cao thượng tham gia tích cực trong các cuộc vận động đấu tranh cứu nguy Phật giáo mặc dù tuổi già sức yếu.
Hôm nay tóm lược đọc mấy dòng tiểu sử của vị cao Tăng đức độ, đã suốt đời hy sinh cho đạo pháp và chúng sanh, chúng ta nguyện nối chí Ngài, trong sứ mạng truyền lưu đạo đức và phổ cập tình thương về cho tất cả.
Nguyện xin Ngài nơi Lạc bang thượng phẩm, phóng đại từ tâm gia hộ.
Tuy Hòa ngày mồng 10 tháng 2 năm Đinh Mùi
Trưởng Tử Sa Môn Diệu Quang, kính soạn
Trích “Đặc san tu chứng, PL. 2510 - 1967”

Thích Diệu Quang