Monday, May 7, 2012

Cưỡng chế - Thu hồi

Mấy tháng nay nghe rần rần mấy cái vụ “cưỡng chế thu hồi đất”, chỉ cần cụm từ đó cũng đã thấy nhiều điều, có thể hiểu như là phương pháp để lấy đi một thứ gì đó từ người khác bằng bạo lực. Các vụ việc đều mang tính thời sự và được đẩy lên cao trào bởi tất cả các bên liên quan, người bị lấy đất, kẻ muốn lấy đất, người làm chính trị, người có đất, trí thức đủ kiểu, nông dân, xe ôm … và ngay cả những người sợ bị ngu mà ngứa miệng làm ra vẻ biết chuyện.
Thật ra chuyện chẳng có gì mới, chẳng qua nó xảy ra theo chu kỳ mà mỗi chu kỳ có tính chất khác nhau chút thôi, so với quá khứ thì các vụ việc bây giờ chỉ ở mức độ vừa phải và “nhân văn” hơn nhiều. Thập niên 50 ở miền Bắc đã có vụ Cải Cách ruộng đất long trời lở đất, nửa cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 thì có chuyện đánh tư sản - cải tạo công thương nghiệp - hợp tác xã và kinh tế mới ở miền Nam cũng không kém phần khốc liệt. Chỉ riêng 1 nhà có ông cố ngoại mất toi 40 mẫu Tây với 1km mặt tiền đường quốc lộ, bà nội đi đứt 18 mẫu Tây với 800m mặt tiền đường quốc lộ, ông nội “đi cách mạng” để lại 3,8 mẫu đất ông bà để lại cũng được hợp tác xã chiếu cố. Cho nên so với chuyện xưa thì chỉ với gần 6 mẫu mà tới 166 hộ dân thì thành quả thu được của hệ thống cưỡng chế lần này chẳng được bao nhiêu, có chăng là cái nỗi oan uổng được chia thêm cho nhiều người hơn xưa thôi.
Nếu chú ý sẽ thấy mỗi chu kỳ lặp lại sau mỗi khoảng 25 năm, và mỗi lần kéo dài từ 5 tới 10 năm. Chuyện của 25 năm sau ra sao thì khó đoán biết được, có lẽ phải nhờ anh sư Thích Học Toán với cái Viện Toán Cao Cấp làm thêm 1 cái bổ đề cơ bản nữa nếu không sẽ còn nhiều chuyện “bể đồ” lắm đây. Và cũng sau mỗi 25 năm dân số Việt Nam lại thêm khoảng 25 triệu, với cái điệu này chắc lần tới sẽ có cưỡng chế thu hồi ở Lào và Cambodia  quá.
Chỉ là dân ngu cu đen quen chơi dài nghĩ ngắn, không hiểu họ căn cứ vô cái gì mà mở miệng là thu hồi? Đất đai của ông bà ngàn năm để lại cho dân Việt chứ của riêng ai đâu mà lại có cái chuyện thu hồi hết lần này đến lần khác. Những người đi thu hồi có đem được tất đất nào ngoài bờ cõi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau về đâu mà thu hồi. Thằng nào con nào cũng là con dân Việt, cắc cớ gì phải giựt ăn của người này đưa cho đứa khác, sao không để người ta tự thỏa thuận với nhau?
Thời hiện đại người ta nói nhiều tới xã hội pháp trị và đề cao pháp luật , nhưng vẫn có điều gì đó không thông suốt lắm. Có người nói rằng tinh hoa của vũ trụ này là sự cân bằng, cũng có người nói rằng trên đời không có gì đúng cũng chẳng có gì sai chỉ có sự phù hợp hay không phù hợp mà thôi. Điều thiết yếu để có và duy trì cân bằng là sự tương thông và chứa đựng nhau của 2 mặt đối lập, khi có cân bằng sẽ không thấy bóng dáng của luật, và luật sẽ xuất hiện khi không còn sự cân bằng, không còn sự tương thông chứa đựng nhau. Cái sự tương thông và chứa đựng nhau đó người ta gọi là TÌNH, nếu tinh hoa của vũ trụ là sự cân bằng thì tinh hoa của sự cân bằng là TÌNH, cho nên cũng có người nói rằng đốt cháy hết vũ trụ này chỉ còn lại chữ TÌNH. Có một loại động vật phát triển trên căn bản của TÌNH nên đứng thẳng được trên 2 chân gọi là con người. Cũng vì tình này mà chúa Jesus chấp nhận bị đóng đinh chuộc tội, cũng vì tình này mà đức Phật từ bỏ ngôi vương và vợ đẹp đi tìm đạo, gần nhất cũng vì TÌNH này mà cụ bà Lê Hiền Đức phải tâm khổ tứ trong chốn vô tình, người xưa định danh cho những việc làm đó là Nghĩa. Khi con người ta sinh sống với nhau bằng Tình - Nghĩa thì không cần luật.
Cho đến khi con người ta muốn phá vỡ sự cân bằng người ta nói tới Luật, muốn lấy đất người ta đặt ra luật đất, tình hình thế này ra luật năm này, tình hình thế khác ra luật năm khác, cho nên cũng ông Đặng Hùng Võ mới nói vụ Tiên Lãng là sai luật còn vụ Xuân Quan là đúng luật, đến khi có cái tình hình rất ư là tình hình sẽ có cái luật rất ư là luật thì chắc chắn ông Võ nếu phát biểu được thì sẽ là một phát biểu rất ư là phát biểu, rất ngưỡng mộ bộ râu quai nón với khuôn mặt chữ điền phương phi của ông, nhưng không biết có ai nói với ông rằng đôi mắt của ông đẹp và hiền lành như cô thôn nữ chưa? Nên ông không thể nói thẳng thừng: Luật sai. Ông Thăng muốn vét túi dân nghèo về xây trụ sở mới liền ra cái luật Phí bảo trì đường bộ, bắt người dân trả tiền để được đi xe của mình trên đường của mình trong quốc gia của mình và chửi thằng đồng bào mình.
Ông bà ngày xưa nói hay lắm: Tài tán dân tụ, tài tụ tắc dân tán. Nhưng có lẽ chẳng ai nhớ, mà có nhớ người ta cũng không hiểu, một số ít hiểu rồi nhưng không tin nên mới không cần dân. Ngẫm cho cùng thì lâu nay người ta cứ nói “của dân, do dân, và vì dân” nhưng người ta lại làm chuyện phương hại tới dân. Không an dân và khoan sức dân thì liệu có bền sâu gốc rễ không? EM CHẢ